Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Trường THPT Dân tộc nội trú

Lịch sử hình thành và phát triển trường PT Dân Tộc Nội trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Lịch sử hình thành và phát triển trường PT Dân Tộc Nội Trú

Trường phổ thông DTNT tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu được thành lập theo Quyết định số 105/QĐ.UNT ngày 6/2/1993 của UBND tỉnh và được xây dựng tại phường Long Toàn, thị xã Bà Rịa. Tuy nhiên mãi đến năm học 1994-1995 nhà trường mới chính thức đi vào hoạt động. Năm học đầu tiên trường có gần 100 học sinh với 4 lớp THCS (từ lớp 6 đến lớp 9), 18 CB-GV-CNV, do cô Trương Thị Xuân Liêm làm hiệu trưởng. Đến năm học 2000-2001 trường chuyển về cơ sở mới tại Thị trấn Ngãi Giao huyện Châu Đức, từ đó đến nay CSVC, đội ngũ nhà trường và học sinh không ngừng tăng lên và thành tích hoạt động của nhà trường ngày một phong phú hơn.

        Năm 2000, trường chuyển từ Bà Rịa về Châu Đức, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trang thiết bị dạy học chưa đầy đủ. Từ đó, nhà trường được ngành quan tâm đầu tư mở rộng khuôn viên trường và xây dựng thêm khu thiết bị, khu hiệu bộ, khu nội trú, nhà sinh hoạt văn hoá dân tộc, nhà ăn và nhà công vụ vào các năm 2007, 2012, khuôn viên nhà trường khang trang hơn, cây xanh được phủ kín nhiều hơn. Trang thiết bị dạy học cũng khá đầy đủ, phòng học sạch sẽ, thoáng mát. Các phòng chức năng được xây dựng có quy mô hơn. Hiện nay, trường có 4 khu chính bao gồm: khu hiệu bộ với 10 phòng làm việc, khu lớp học với 14 phòng học và 16 phòng chức năng, khu nội trú  gồm 48 phòng ở cho học sinh, nhà ăn, nhà sinh hoạt văn hoá dân tộc, nhà thi đấu đa năng và khu nhà công vụ gồm 09 phòng ở cho giáo viên. Có thể nói, cơ sở vật chất của nhà trường  đã đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh.Trải qua chặng đường hơn 25 năm hình thành và phát triển, còn nhớ ngày ấy, tuy trường phổ thông DTNT tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu được thành lập là niềm mơ ước của con em đồng bào dân tộc lúc bấy giờ, nhưng thời gian đầu, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh vì các em học sinh đa số cư trú ở các nơi xa xôi hẻo lánh và đang theo học rải rác ở các trường trên địa bàn toàn tỉnh, phương tiện đi lại phục vụ cho việc vận động tuyển sinh rất thô sơ. Hình ảnh thầy Đào Văn Phước lặn lội trên chiếc xe đạp cũ kỹ đến các vùng đồng bào dân tộc để tuyển sinh thể hiện sự quyết tâm của nhà trường và tâm huyết của thầy cô vì sự nghiệp giáo dục dân tộc. Vận động các em đến trường đã khó, nhưng giữ các em ở lại trường để học tập càng khó hơn, vì các em không quen xa gia đình; ngôn ngữ, phong tục tập quán cũng là những trở ngại trong việc dạy dỗ các em. Tuy nhiên bằng tình thương và trách nhiệm, đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ công nhân viên của trường đã dần tạo được cho các em học sinh cảm giác ấm áp, yên tâm để học tập và sinh hoạt.

         Hơn 25 năm hình thành và phát triển, trường phổ thông DTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu  đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, ngoài sự nỗ lực của các thế hệ thầy trò, có sự đóng góp to lớn của cha mẹ học sinh, sự giúp đỡ quan trọng của các cấp lãnh đạo Đảng, Sở giáo dục và Đào tạo, các ban ngành, đoàn thể tỉnh, huyện nhà. Thầy và trò nhà trường vô cùng biết ơn và hy vọng rằng nhà trường luôn được giúp đỡ mọi mặt trong thời gian tới.

         Tuy vẫn còn đó những trăn trở về công tác giáo dục dân tộc trong trường nội trú, đó là chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo, quản lý nội trú…nhưng chúng ta không hổ thẹn với lương tâm của mình, vì mỗi thành viên trong nhà trường đã làm hết sức mình và trên cả sức mình, có chăng sự băn khoăn là hướng đi nhà trường hiện nay đã tối ưu với hoàn cảnh thực tế chưa, điều đó cần phải điều chỉnh chiến lược và tranh thủ sự giúp đỡ của các ngành và các cấp, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo. Chúng ta  có quyền tin tưởng vào một tương lai tươi đẹp hơn của nhà trường, xứng đáng là chiếc nôi văn hóa dân tộc của tỉnh nhà và là nơi góp phần đào tạo nguồn cho vùng đồng bào dân tộc.

Tác giả:Trường PT Dân tộc nội trú
Tin liên quan
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 25
  • Trong tuần: 272
  • Tất cả: 25439